Khám Phá Sìn Hồ-Lai Châu
Vị trí: Cách thị xã Lai Châu khoảng 40km theo đường 4D.
Đặc điểm: Đây là bản gồm nhiều dân tộc khác nhau cư trú, thường có phiên chợ đầy màu sắc họp vào chủ nhật mỗi tuần.
Sìn Hồ là huyện vùng cao nằm giữa tỉnh Lai Châu, có huyện lỵ là thị trấn Sìn Hồ. Huyện Sìn Hồ có 56.000 cư dân gồm 15 dân tộc cùng chung sống trên diện tích 1.746km². Về mặt địa lý, Bắc Sìn Hồ giáp Vân Nam (Trung Quốc), Đông giáp huyện Phong Thổ, Nam giáp huyện Tủa Chùa (Điện Biên) và Tây giáp huyện Mường Tè.
Theo tiếng bản địa, “Sìn Hồ” là nơi tập trung nhiều con suối. Ở độ cao 1.500m so với mực nước biển, cao nguyên Sìn Hồ được ví như nóc nhà của tỉnh Lai Châu. Nơi đây khí hậu khá giống với thị trấn Sa Pa, quanh năm mát mẻ tạo điều kiện cho nhiều giống hoa, quả ôn đới như mận, đào, lê… phát triển.
Từ thị xã Lai Châu, đường lên Sìn Hồ ngang qua nhiều khu rừng rậm với những thung lũng, khe suối cùng hệ thống hang động khá phong phú. Từ Điện Biên có thể đến Sìn Hồ theo quốc lộ 12 lên Mường Lay, đến ngã ba Chăn Nưa rồi rẽ vào tỉnh lộ 128 để có dịp đi dọc theo dòng sông Đà hùng vĩ, chinh phục hai đoạn đèo Ma Thì Hồ (Mường Lay) và Chăn Nưa (Sìn Hồ) quanh năm mây phủ. Dù đi theo đường nào, du khách cũng có thể tận hưởng vẻ đẹp hoang sơ cùng cảm giác mạo hiểm khi uốn lượn theo cung đường lên xuống dốc, ngoắt ngoéo đến chóng mặt…
Sìn Hồ tập trung nhiều cảnh đẹp hấp dẫn như cổng trời, núi Tiên Ông, núi Ô Đá… gắn liền bao truyền thuyết ly kỳ. Du khách sẽ ngỡ ngàng thích thú khi trước mắt hiện ra những đỉnh núi mây giăng hay những thung lũng ửng vàng chói chang với những thửa ruộng bậc thang đang vào mùa thu hoạch. Đi sâu vào những bản làng Pú Đao, Tà Ghềnh, Hoàng Hồ, Tả Phìn, Phăng Xô Lin của người Mông, Dao nép mình bên vách núi, du khách tưởng như lạc vào một không gian cổ tích khi gặp những ngôi nhà gỗ nhỏ xinh xinh nổi bật giữa màu xanh của núi rừng, những phụ nữ dân tộc địu nước hì hụi leo lên đỉnh dốc hay những chú lợn bản ụt ịt kiếm ăn nơi bìa rừng…
Sìn Hồ càng đẹp hơn mỗi khi có phiên chợ họp vào hai ngày cuối tuần. Tuy bắt đầu nhóm vào sáng thứ Bảy nhưng lúc này chợ chủ yếu thu hút người bản địa sống quanh thị trấn, chỉ qua ngày Chủ nhật mới thực sự đông vui rộn ràng khi người từ các thôn bản xa xôi đổ về, từ người Mông đỏ vùng Chăn Lưa, Làng Mô hay người Lự, Dao ở Phăng Xô Lin đến người Mông hoa, Phù Lá tận xã Pu Sam Cáp cách thị trấn Sìn Hồ đến cả ngày đi đường… Họ đến đây địu theo những hàng hóa thường là do nhà làm ra. Những gương mặt hiền hòa chân chất, những bộ váy áo thổ cẩm sặc sỡ, những tiếng xì xào mua bán cùng tiếng cười giòn tan bên những món ăn mang theo hương vị của núi rừng đã hợp thành một bức tranh màu sống động ngập tràn thanh âm đời sống…
Sản phẩm du lịch mới
Trong vài năm gần đây, tại khu 2 thị trấn Sìn Hồ có dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho du khách, đó là dịch vụ tắm lá thuốc, xoa bóp và bấm huyệt do ông Sùng A Páo, một danh y người dân tộc Mông đảm trách. Nhiều vị lãnh đạo của huyện và các cơ quan, ban ngành đã từng đưa khách đến giới thiệu như một “đặc sản” của địa phương, song loại hình này vẫn chưa thể phát triển do thiếu vốn và hướng đầu tư hợp lý.
Dung dịch để ngâm tắm là một loại nước có màu đen sánh được nấu từ 10 loại cây thuốc hái từ trên núi, trong đó có gừng và sả là có thể trồng ngay tại vườn nhà. Khách sẽ được mời vào một căn phòng nhỏ, trút bỏ xiêm y rồi ngồi ngâm mình ngập đến tận cổ trong dung dịch nước thuốc nóng chừng 40º, được chứa trong một chiếc thùng gỗ, có mùi thơm nồng ngai ngái.
Do là một vị thuốc nên chỉ sau ít phút ngâm mình, du khách tưởng như cơ thể nhão ra trong một cảm giác lâng lâng chếnh choáng, nhưng cũng hết sức dễ chịu. Thảo nào trước khi bước vào thùng thuốc, kỹ thuật viên cứ dặn đi dặn lại: “nếu có cảm giác say quá, phải nhỏm người lên và vén rèm gió để hít thở không khí bên ngoài” (!). Sau 30 - 40 phút ngâm mình, khách sẽ được mời lên nhà trên để bước vào giai đoạn “kỹ thuật” là xoa bóp và bấm huyệt.
Nhiều người sau khi nằm sấp mình trải nghiệm những ngón tay của vị danh y di trên những huyệt đạo khắp cơ thể, phải nhận ông Páo quả có đôi “bàn tay vàng”. Khởi từ hai bên thái dương, dưới quai hàm, dọc sống lưng… tới tận đầu các ngón chân, ngón tay…, ở đâu có bàn tay ông đặt vào thì ban đầu là cảm giác đau nhói đến quặn mình, tiếp đến tê rần và lan đều khiến người được bấm huyệt tưởng như cơ thể đang tan ra rồi được sắp xếp lại để chuẩn bị hoàn sinh vậy. Thú vị nhất là với cú hất vào lưng “trình độ” như thể truyền công lực, khách bật tung người nhỏm dậy một cách “điệu nghệ” và bất ngờ, kết thúc qui trình vật lý liệu pháp độc đáo. Điểm đáng nói là giá cả dịch vụ cũng độc đáo không kém: chỉ 50.000 đồng. Trước khi chia tay, khách còn được mời uống cốc nước thuốc nóng, được nấu từ các vị thuốc như trong nước tắm.
Tiềm năng và triển vọng
Sìn Hồ là một vùng du lịch tiềm năng của tỉnh Lai Châu, một điểm đến còn tương đối mới mẻ với nhiều du khách. Nơi đây ngoài thiên nhiên kỳ thú với những thắng cảnh nổi tiếng như núi đá Ô, động Tiên, còn có hai di tích lịch sử thuộc xã Lê Lợi là bia Lê Lợi được khắc trên vách đá bờ Bắc sông Đà và dinh thự của vị vua Thái bù nhìn Đèo Văn Long trong thời kháng chiến chống Pháp; những thửa ruộng bậc thang vừa lạ vừa quen với những nét kiến tạo tài tình; những phiên chợ vùng cao mang nhiều bản sắc cùng truyền thống văn hóa địa phương; những bản làng của các dân tộc Mông, Dao nép mình trên vách núi vẫn còn là một ẩn số, đặc biệt bản làng Pú Đao thuộc huyện Sìn Hồ, cách thị xã Mường Lay (thị xã Lai Châu cũ, nay thuộc tỉnh Điện Biên) 13km với 887 cư dân, được khách hàng của một hãng lữ hành Anh bầu chọn là một trong năm điểm đến hấp dẫn nhất ở Đông Nam Á.
Mặc dù Sìn Hồ thu hút khoảng 30.000 du khách trong và ngoài nước mỗi năm nhưng các hoạt động du lịch vẫn mang tính tự phát, chưa có sản phẩm và đối tượng phục vụ rõ nét. Trong định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Lai Châu, đề án phát triển du lịch 2011 - 2015 của tỉnh đã chú trọng phát triển du lịch bền vững tại cao nguyên Sìn Hồ theo từng giai đoạn, trong đó phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng gắn với các tuyến điểm từ thôn làng, bản làng văn hóa, tiếp nối các tuyến du lịch của huyện bạn, tỉnh bạn trong khu vực Tây Bắc, đồng thời chú trọng phát huy các giá trị văn hóa dân gian của cộng đồng dân cư trên địa bàn.
Ngoài tiềm năng du lịch sinh thái hay nghỉ mát, du khách đến Sìn Hồ còn có cơ hội tham gia điều dưỡng bằng vật lý liệu pháp với các loại thuốc qúy chỉ có ở vùng này, thưởng thức các món ăn nổi tiếng địa phương mang phong vị của núi rừng như thịt trâu quấn lá lốt, dê hấp, lợn bản, cá suối, xôi nếp nương, thắng cố… cùng món cá hồi đặc sản xứ lạnh được nuôi thành công tại địa phương.
Hy vọng trong tương lai gần, du lịch Sìn Hồ không chỉ dừng lại ở vẻ đẹp tiềm ẩn mà được phát triển hợp lý, đem lại nhiều cảm hứng thú vị cho du khách mỗi khi có dịp khám phá. Cao nguyên Sìn Hồ sẽ và mãi là điểm đến ấn tượng, vừa dung dị vừa quá đổi bình yên…
Các bài viết cùng chuyên mục
Hậu Lâu (Lầu Tĩnh Bắc) - Thăng Long - Hà Nội
Hậu Lâu được xây ở phía bắc hành cung với mục đích trấn giữ, tạo sự yên bình (theo phong thuỷ) nên còn được gọi là Lầu Tĩnh Bắc hay Hậu Lâu (lầu phía sau).
Du lịch thắng cảnh Hương Sơn-mỹ đức Hà Nội
Khu danh thắng Hương Sơn thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Đặc điểm: Nơi đây phong cảnh hữu tình, có "Nam Thiên đệ nhất động" (động đẹp nhất trời Nam)
Quảng trường Ba Đình-Hà NỘI
Quảng trường Ba Đình là nơi diễn ra những sự kiện trọng đại của cả nước.
Làng nghề mỹ nghệ Sơn Động,Hoài Đức Hà Nội
Năm 2007, làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng đã được sách Kỷ lục Việt Nam ghi nhận là làng nghề tạc tượng và đồ thờ phụng Phật giáo lớn nhất Việt Nam.
Tham quan Du lịch di sản văn hóa dân tộc phố Cổ Hà Nội
Khu phố cổ Hà nội là một di sản kiến trúc mang đậm bản sắc truyền thống văn hoá dân tộc, là niềm tự hào và xứng đáng tượng trưng cho cốt cách linh hồn của Thủ đô ngàn năm văn hiến.