Tham Quan Chùa dâu Bắc Ninh - ngồi chùa phật giáo cổ nhất việt nam
Ngày đăng: 28/04/2020 - 8938 - lượt xem
Chùa Dâu tọa lạc ở xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội khoảng 30km. Chùa có nhiều tên gọi: Diên Ứng tự, Pháp Vân tự, Thiền Đình tự, Cổ Châu tự. Nơi đây là trung tâm thành cổ Luy Lâu từ thế kỷ thứ II sau Công nguyên.
"Có câu thơ lưu truyền dân gian:
Dù ai đi đâu về đâu
Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về,
Dù ai buôn bán trăm nghề
Nhớ ngày mồng tám thì về hội Dâu"
Theo ghi chép trong sách sử và bia đá, đây là ngôi chùa Phật giáo cổ nhất Việt Nam, là nơi giao lưu của hai luồng văn hóa Phật giáo, một từ Ấn Độ sang, một từ phương Bắc xuống. Chùa được xây dựng từ thế kỉ thứ 2 (khởi công xây dựng năm 187 và hoàn thành năm 226) dưới thời Sĩ Nhiếp làm thái thú. Chùa Dâu thờ nữ thần Pháp Vân nên gọi là chùa Pháp Vân và nằm trong vùng đất Cổ Châu nên cũng gọi là chùa Cổ Châu. Chùa gắn liền với truyện cổ tích Tứ pháp của người Việt xưa.
Vào đầu công nguyên, các tăng sĩ Ấn Độ, tiêu biểu là Khâu Đà La, đã tới Dâu – tức Luy Lâu tiến hành truyền bá đạo Phật, lập nên trung tâm Phật giáo Luy Lâu – trung tâm Phật giáo lớn nhất và cổ xưa nhất của Việt Nam. Chùa tháp được xây cất nguy nga bên cạnh thành quách, đền đài, cung điện, lầu gác, phố chợ sầm uất của đô thị Luy Lâu, trong đó chùa Dâu là trung tâm trong hệ thống các chùa thờ Phật và thờ tứ pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện), một nét độc đáo trong sự kết hợp giữa Phật giáo Ấn Độ và tín ngưỡng dân gian của người Việt. Chùa Dâu trở thành trung tâm của Thiền phái Tì ni đa lưu chi – Thiền phái đầu tiên của Phật giáo Việt Nam
Kiến trúc chùa Dâu còn đến ngày nay được dựng dưới thời Trần năm 1313 và trùng tu nhiều lần qua các thế kỷ tiếp theo. Vua Trần Anh Tông đã sai trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi về kiến thiết lại chùa Dâu thành chùa trăm gian, tháp chín tầng, cầu chín nhịp. Bao quanh tòa điện chính hình chữ công là những dãy nhà ngang, nhà dọc vây kín theo kiểu nội công ngoại quốc.
Chính giữa sân chùa trước bái đường, Mạc Đĩnh Chi đã cho dựng ngôi tháp Hòa Phong cao chín tầng, nay chỉ còn ba. Ngôi tháp vuông xây bằng gạch trần, dáng chắc khỏe nổi bật giữa khung cảnh xung quanh. Tháp tượng trưng cho ngọn núi vũ trụ, bốn góc tháp có bốn tượng Thiên vương trấn giữ, trên tháp treo một khánh đồng cổ.
Tháp Hòa Phong Tháp xây bằng loại gạch cỡ lớn ngày xưa, được nung thủ công tới độ có màu sẫm già của vại sành. Thời gian đã lấy đi sáu tầng trên của tháp, nay chỉ còn ba tầng dưới, cao khoảng 17 m nhưng vẫn uy nghi, vững chãi thế đứng ngàn năm. Mặt trước tầng 2 có gắn bảng đá khắc chữ "Hòa Phong tháp". Chân tháp vuông, mỗi cạnh gần 7 m. Tầng dưới có 4 cửa vòm. Từ "Hoà Phong" có nghĩa là ngọn gió mát mẻ, tốt lành.
Trong tháp có treo một quả chuông đồng đúc năm 1793 và một chiếc khánh đúc năm 1817. Có 4 tượng Thiên Vương - 4 vị thần trong truyền thuyết cai quản 4 phương trời- cao 1,6 m ở bốn góc
Trước tháp, bên phải có tấm bia vuông dựng năm 1738, bên trái có tượng một con cừu đá dài 1,33 m, cao 0,8 m. Điều này làm ngạc nhiên nhiều du khách, bởi xưa kia nước Việt không có con cừu. Truyền sử kể rằng: vào thời Luy Lâu còn là trung tâm văn hoá, chính trị, kinh tế của cả nước ta, có vị sư người Tây Thiên sang nước ta tu hành truyền bá đạo Phật. Ông dắt theo 2 con cừu. Một hôm sơ ý để 2 con đi lạc, 1 con lạc đến chùa Dâu, 1 con lạc đến lăng Sĩ Nhiếp (thái thú Giao Chỉ thời đó), dân ở 2 vùng này đã tạc tượng 2 con cừu bằng đá ở nơi chúng đến để thờ. Do vậy hiện nay chùa Dâu có 1 con, lăng Sĩ Nhiếp (cách đó 3 km) có 1 con.
Trải qua bao biến động lịch sử, thành lũy, đền dài, dinh thự của trung tâm Luy Lâu bị hoang phế. Nhưng chùa Dâu với tháp Hòa Phong vươn cao và hàng trăm gian chùa cổ kính vẫn tồn tại với thời gian. Lịch sử đã từng khẳng định vị trí của chùa Dâu trong đời sống văn hóa, tâm linh dân tộc. Chùa là một danh lam bậc nhất của xứ kinh Bắc xưa nay. Chùa đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa quốc gia.
Chỉ dẫn đường đi: Cùa Dâu nằm trên địa phận xã Thanh Khương - Thuận Thành - Bắc Ninh. Có thể tới chùa bằng nhiều đường, tuy nhiên đường ngắn nhất tính từ trung tâm TP Hà Nội là: Cầu Chương Dương- Đường Nguyễn Văn Cừ - Cầu Chui - đường QL 5 - tỉnh lộ 181 - Dương Xá ( Gia Lâm ) - Phú Thị ( Gia Lâm ) - Thuận Thành - Phố Dâu - Chùa Dâu.
Các bài viết cùng chuyên mục
Hậu Lâu (Lầu Tĩnh Bắc) - Thăng Long - Hà Nội
Hậu Lâu được xây ở phía bắc hành cung với mục đích trấn giữ, tạo sự yên bình (theo phong thuỷ) nên còn được gọi là Lầu Tĩnh Bắc hay Hậu Lâu (lầu phía sau).
Du lịch thắng cảnh Hương Sơn-mỹ đức Hà Nội
Khu danh thắng Hương Sơn thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Đặc điểm: Nơi đây phong cảnh hữu tình, có "Nam Thiên đệ nhất động" (động đẹp nhất trời Nam)
Quảng trường Ba Đình-Hà NỘI
Quảng trường Ba Đình là nơi diễn ra những sự kiện trọng đại của cả nước.
Làng nghề mỹ nghệ Sơn Động,Hoài Đức Hà Nội
Năm 2007, làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng đã được sách Kỷ lục Việt Nam ghi nhận là làng nghề tạc tượng và đồ thờ phụng Phật giáo lớn nhất Việt Nam.
Tham quan Du lịch di sản văn hóa dân tộc phố Cổ Hà Nội
Khu phố cổ Hà nội là một di sản kiến trúc mang đậm bản sắc truyền thống văn hoá dân tộc, là niềm tự hào và xứng đáng tượng trưng cho cốt cách linh hồn của Thủ đô ngàn năm văn hiến.