Tham quan nhà Công Tử Bạc Liêu
Vị trí: Gần bờ sông Bạc Liêu, số 13 Điện Biên Phủ, Phường 3, TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.
Đặc điểm: khu nhà là nơi gắn liền với tên tuổi của công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy – công tử nổi danh nhất xứ Nam Kỳ đầu thế kỷ 20.
“Công tử Bạc Liêu” là cụm từ dân gian phổ biến ở miền Nam Việt Nam vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 để chỉ các công tử, con những gia đình giàu có sống ở tỉnh Bạc Liêu trong thời kỳ Pháp thuộc. Nổi bật nhất trong số các công tử Bạc Liêu là Trần Trinh Huy (1900-1974), còn có các tên gọi khác là Ba Huy, Hội đồng Ba hay Hắc công tử, một tay chơi nổi tiếng nhất ở Sài Gòn và miền Nam những năm 1930, 1940. Chính vì vậy, danh xưng “Công tử Bạc Liêu” gần như được dành riêng để nói về ông.
Khu nhà công tử Bạc Liêu (còn có tên gọi là nhà Lớn) được xây dựng năm 1919. Hầu hết các vật liệu xây dựng ngôi nhà, từ thép đúc, cẩm thạch lát nền, gạch, khung sắt trang trí đến ốc vít đều có khắc chữ “P” chìm, như minh chứng cho nguồn gốc xuất xứ tại thủ đô Paris hoa lệ. Sau khi hoàn thành, đây được xem là ngôi nhà bề thế nhất Nam Kỳ lục tỉnh lúc bấy giờ.
Khu nhà gồm 2 tầng nổi bật bởi màu trắng sang trọng cùng kiến trúc Pháp lộng lẫy, bề thế. Tầng trệt của căn biệt thự có 2 phòng ngủ, 2 đại sảnh khá rộng và cầu thang dẫn lên lầu. Tầng lầu có 3 phòng ngủ, 2 đại sảnh, trong đó phòng công tử Trần Trinh Huy được trang bị đầy đủ tiện nghi với giường đôi, tivi, điện thoại, máy lạnh, tủ áo, bàn viết...
Ngày nay, khu nhà công tử Bạc Liêu vẫn được bảo tồn nguyên vẹn để phục vụ khách tham quan. Ngay khi bước chân vào ngôi nhà, du khách sẽ bị cuốn hút bởi những đường nét thiết kế tỉ mỉ, tinh tế, toát lên vẻ sang trọng và hào hoa. Những chiếc đèn màu vàng tỏa ánh sáng lung linh tạo cảm giác ấm cúng và lịch lãm. Trên mỗi cây cột của ngôi nhà đều được trang trí nhiều hoa văn đẹp mắt. Một phần của khu nhà được dùng làm nơi trưng bày những hiện vật quý hiếm là đồ nội thất gia đình công tử Bạc Liêu từng sử dụng như các bộ bàn ghế được khảm xà cừ tinh xảo; những chiếc ấm, tách trà với họa tiết rồng bay, phượng múa…
Phần còn lại của khu nhà được sửa chữa, trùng tu thành hệ thống khách sạn, nhà hàng cao cấp. Đến đây, du khách sẽ có cơ hội nghỉ dưỡng trong những căn phòng kiến trúc Pháp sang trọng, đầy đủ tiện nghi, thưởng thức món lẩu “Công tử” hay thư giãn, giải trí cùng chương trình “Hát với nhau” được tổ chức vào 19h mỗi tối.
Các bài viết cùng chuyên mục
Hậu Lâu (Lầu Tĩnh Bắc) - Thăng Long - Hà Nội
Hậu Lâu được xây ở phía bắc hành cung với mục đích trấn giữ, tạo sự yên bình (theo phong thuỷ) nên còn được gọi là Lầu Tĩnh Bắc hay Hậu Lâu (lầu phía sau).
Du lịch thắng cảnh Hương Sơn-mỹ đức Hà Nội
Khu danh thắng Hương Sơn thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Đặc điểm: Nơi đây phong cảnh hữu tình, có "Nam Thiên đệ nhất động" (động đẹp nhất trời Nam)
Quảng trường Ba Đình-Hà NỘI
Quảng trường Ba Đình là nơi diễn ra những sự kiện trọng đại của cả nước.
Làng nghề mỹ nghệ Sơn Động,Hoài Đức Hà Nội
Năm 2007, làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng đã được sách Kỷ lục Việt Nam ghi nhận là làng nghề tạc tượng và đồ thờ phụng Phật giáo lớn nhất Việt Nam.
Tham quan Du lịch di sản văn hóa dân tộc phố Cổ Hà Nội
Khu phố cổ Hà nội là một di sản kiến trúc mang đậm bản sắc truyền thống văn hoá dân tộc, là niềm tự hào và xứng đáng tượng trưng cho cốt cách linh hồn của Thủ đô ngàn năm văn hiến.